Tin tức

10 năm tạo nền tảng cho Thành phố môi trường

Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” được đặt ra với mục tiêu hướng đến năm 2020, các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí trên toàn thành phố được bảo đảm, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng.


Tính đến nay, sau 10 năm, đề án đã mang lại cho thành phố nhiều kết quả to lớn. Đó là đã có 5 trong tổng số 10 chỉ tiêu đạt 100% trở lên như: chỉ số ô nhiễm không khí; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại nội thành đạt 96,5%, Hòa Vang đạt 86,5%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt 82%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các quận nội thành đạt 95%, Hòa Vang 65%.

Thành phố tập trung giải quyết cơ bản ô nhiễm môi trường nước tại các khu dân cư, xử lý nước thải bảo đảm đạt tiêu chuẩn. Thành phố đã đưa vào khai thác hơn 50.930 cây xanh, hơn 200.000m2 thảm cỏ, hoa từ 130 hạng mục cây xanh của các dự án đầu tư xây dựng nâng tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người tăng từ 4m2 lên 7,3m2/người.

Đặc biệt, những nỗ lực của thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng trong 3 năm liên tiếp 2011, 2012, 2013 về Thành phố bền vững về môi trường ASEAN, Thành phố phát thải các-bon thấp; một trong 20 thành phố xanh - sạch - đẹp.

Song, có thể nói giải thưởng lớn nhất vẫn chính là đã tạo được dấu ấn trong lòng bạn bè gần xa một khi đến với Đà Nẵng đều trầm trồ về một “thành phố luôn sạch đẹp và ngăn nắp, biển lúc nào cũng xanh và con người luôn thân thiện”.


Theo tiêu chuẩn, đối với đô thị loại 1, chỉ tiêu này phải đạt 10-12m2 (thực tế hiện nay chỉ đạt xấp xỉ 4m2/người), nghĩa là thành phố còn thiếu một diện tích khá lớn, hàng trăm héc-ta đất dành hệ thống cây xanh sử dụng công cộng. Bên cạnh đó, áp lực tăng trưởng “nóng” về du lịch đã khiến toàn bộ hạ tầng kỹ thuật khu vực ven biển không đủ sức chịu tải khi toàn bộ phần đất trước đây quy hoạch dành cho đất ở thì nay trở thành đất khai thác dịch vụ du lịch, lượng nước thải sinh hoạt thải ra môi trường vượt quá khả năng cung ứng theo tính toán.Tuy kết quả đạt được là vậy, nhưng thực tiễn phát triển “nóng” đã khiến cho thành phố phải đối diện với nhiều bất cập. Trước hết, mặc dù diện tích cây xanh bình quân đầu người được nâng lên đáng kể nhưng phần cây xanh sử dụng công cộng (công viên, vườn hoa, thảm cỏ của quảng trường…) đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nâng cao đời sống tinh thần, thể chất chưa bảo đảm.

Việc thiếu nước sạch dành cho sinh hoạt luôn là điệp khúc mà người dân ca thán vào mùa hè. Các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng chỉ dừng ở mức độ kiểm soát, hạn chế thấp nhất… Nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước mặt cung cấp cho các nhà máy nước luôn rình rập, khó kiểm soát; ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu dân cư…

Điều lo ngại nhất là tình trạng khai thác tài nguyên thiếu kiểm soát ở huyện Hòa Vang phục vụ phát triển đô thị đã hủy hoại hệ sinh thái khu vực phía tây thành phố. Đây sẽ là hệ lụy lâu dài cho mục tiêu hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.

Tất cả những điều đó sẽ khiến mục tiêu trở thành thành phố môi trường còn khá xa vời nếu không nhận thức một cách đầy đủ về nó, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành thì không thể thiếu sự vào cuộc của chính người dân thành phố cùng với những giải pháp thiết thực.

Nhận thức tầm quan trọng của thành phố môi trường

Thiết nghĩ, yếu tố mang tính then chốt chính là thế hệ hôm nay cần nhận thức một cách sâu sắc tầm quan trọng của mục tiêu trở thành thành phố môi trường. Sau 10 năm, việc chỉ mới hoàn thành 5/10 chỉ tiêu rất cần được suy ngẫm và rút kinh nghiệm.

Chúng ta không thể đổ lỗi do cơ chế, chính sách, ý thức người dân, nguồn lực không bảo đảm hay đô thị phát triển “nóng” cùng với tác động của biến đổi khí hậu. Liệu rằng chúng ta đã thật sự thường trực tinh thần trách nhiệm với các mục tiêu đã đề ra hay chưa? Để từ đó xây dựng quyết tâm cao hơn, dành nguồn lực tương xứng hơn cùng với những giải pháp mang tính tổng thể và lâu dài.

Phát triển bền vững không có nghĩa là khu đất vàng này phải khai thác như thế nào để mang lại giá trị kinh tế cao nhất, tận thu tài nguyên kiểu đào núi lấp sông hay lấn biển chỉ nhằm mục đích thực hiện tiến trình đô thị hóa.

Việc hôm nay thu lại bao nhiêu cho ngân sách cũng khó bù đắp nếu tương lai thành phố rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí, suy thoái môi trường như các thành phố lớn hiện nay đang phải gánh chịu và điều khó thể tránh khỏi rằng người dân thành phố đáng sống lại mơ đến ngày xa xưa, thành phố luôn tràn ngập sắc xanh và được hít thở bầu không khí trong lành.

Ý tưởng “thành phố vườn” đã được nhắc đến trong một số diễn đàn quy hoạch gần đây. Có lẽ đây là mô hình đô thị rất đáng được quan tâm, sẽ góp phần cụ thể hóa mục tiêu trở thành thành phố môi trường, phù hợp với quy mô và đặc trưng về cấu trúc cảnh quan tự nhiên của thành phố.

Thực tế, mô hình thành phố vườn đã được đưa ra lần đầu tiên từ năm 1898 bởi Ebenezer Howard người Anh và đã được nhiều thành phố trên thế giới áp dụng thành công với mục tiêu “hài hòa cả đô thị và nông thôn, cả con người và tự nhiên: vừa đủ lớn để tạo thuận lợi cho sự tập trung dân cư, nhưng cũng đủ nhỏ để duy trì sự gần gũi”.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng này cần thiết sự quyết tâm chính trị rất cao, cụ thể hóa bằng kế hoạch và lộ trình thực hiện, phải thật khắt khe trong việc tuân thủ quy chuẩn, quy chế quản lý, phải cam kết và thực hiện đúng về việc dành đất cho phát triển cây xanh, yêu cầu công trình kiến trúc xanh như thế nào, giao thông xanh ra sao cũng cần phải đề cập đến, ngay cả  việc trồng loại cây gì, tổ hợp ra sao gắn với giải pháp tưới tiêu hiệu quả như thế nào?… Tất cả đều phải được tính đến cùng với việc xác định nguồn lực để thực hiện.

Kế đến là việc xử lý rác thải hiệu quả. Vẫn biết rằng đây luôn là bài toán khó cho đô thị khi điều kiện về kinh tế còn khó khăn, trong khi đó lượng rác thải sinh hoạt trung bình 850-900 tấn/ngày, đến năm 2020 con số này xấp xỉ 1.500 tấn.

Câu hỏi đặt ra là: Tiêu chí xử lý rác của chúng ta là gì, lựa chọn công nghệ ra sao, chi phí xử lý là bao nhiêu, vị trí xây dựng nhà máy ở đâu, giải pháp phân loại rác đầu nguồn cũng như phương thức thu gom rác ra sao?... là một chuỗi các mắt xích cần được tháo gỡ.

Dự án thu gom nước thải ven biển với quy mô trên dưới ngàn tỷ đồng đang được xúc tiến khẩn trương để bảo vệ lấy biển Đà Nẵng, là nguồn tài nguyên quan trọng mang đến những lợi ích kinh tế lâu dài cho thành phố.

Tuy nhiên, thành phố cũng phải tính đến việc đầu tư nâng cấp hệ thống thu gom nước thải, về nguyên tắc phải bảo đảm thu gom riêng biệt hệ thống nước thải sinh hoạt và nước mưa vì đây là một trong những điều kiện quan trọng giải quyết vấn đề xử lý nước thải lâu dài. Ngoài ra, các giải pháp tự xử lý nước thải, rác thải ở các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch nhỏ lẻ cần khuyến khích áp dụng để giảm áp lực xử lý chất thải cho hệ thống chung của thành phố.

Một số giải pháp trước mắt mang tính khả thi và bền vững

Chúng ta cần phải tăng diện tích cây xanh bằng việc tận dụng tối đa những khoảnh đất thừa, đất rẻo trong đô thị theo mô hình “công viên bỏ túi” thông qua hình thức xã hội hóa, huy động nguồn lực từ chính người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, bảo đảm trong phạm vi 300-500m sẽ có một khuôn viên cây xanh phục vụ nhu cầu của người dân.

Đối với các dự án thuộc diện chậm triển khai, yêu cầu chủ đầu tư phủ xanh khuôn viên khu đất, đây sẽ là những sân chơi bổ ích dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên vào các mục đích sinh hoạt, vui chơi, rèn luyện thân thể.

Nên tạo sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng nước và khả năng cung cấp nước khu vực. Điều này được thực hiện thông qua các giải pháp đó là, gìn giữ nguồn nước tự nhiên kể cả nước mưa, việc tạo ra những hồ điều hòa trong các khu đô thị cũng như có một bể nước mưa trong mỗi gia đình cũng là giải pháp quan trọng giúp bổ sung nguồn nước dành cho sinh hoạt và các nhu cầu khác; và phục hồi các nguồn nước đã bị hư hại thông qua hệ thống lọc, trạm xử lý chất thải.

Tuy nhiên, chính cây xanh sẽ trở thành máy lọc nước rất hiệu quả thông qua hệ thống rễ cây. Việc tăng cường các dải cây xanh cách ly giữa các nguồn gây ô nhiễm và khu chức năng đô thị khác có ý nghĩa rất quan trọng.

Cần áp dụng giải pháp tưới tiêu hiệu quả thông qua việc tận dụng nguồn nước đã qua xử lý từ các nhà máy xử lý nước thải để tưới tiêu, nhất là dùng cho việc chăm sóc hệ thống cây xanh đường phố sẽ góp phần tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách thành phố hằng năm. Đồng thời, trả lại và duy trì nguồn nước ngầm thông qua các giải pháp xử lý bề mặt đô thị để nước mưa có cơ hội tự thấm cũng là vần đề cần được nghiên cứu và áp dụng một cách nghiêm túc.

Ngoài ra, chúng ta nên tiếp tục phát huy hơn nữa các phong trào ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp, trường học xanh, cơ quan xanh, quận/huyện môi trường... với tiêu chí cụ thể, như: mỗi em học sinh sẽ trồng một cây xanh/1 năm học, mỗi nhân viên văn phòng tham gia đóng góp quỹ dành cho việc trồng và chăm sóc cây xanh trong công sở, mỗi doanh nghiệp đến đầu tư làm ăn, sinh sống trên địa bàn thành phố tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí phát triển mảng xanh, quỹ chăm sóc cây xanh nơi cộng cộng hay tặng cho các thành phố những “công viên bỏ túi” trong các khu dân cư…

Đây là những việc làm rất thiết thực, đã được nhiều thành phố tiên tiến trên thế giới áp dụng, mỗi việc nhỏ nhưng mang lại hiệu quả rất to lớn và lâu dài.

Làm thế nào để thành phố môi trường không chỉ là danh hiệu, không chỉ là “đề án”, mà phải là “di sản”, là văn hóa ứng xử, là kim chỉ nam trong mọi quyết định thông qua chương trình hành động rất cụ thể của bản thân mỗi chúng ta hôm nay.

Làm thế nào để Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố môi trường, để không chỉ là sự công nhận của thế giới dành cho mà quan trọng hơn chính là sự ghi nhận của thế hệ mai sau cho những nỗ lực của chính quyền và người dân hôm nay trong hành trình xây dựng một thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững trong tương lai. Tất cả đều bắt đầu từ suy ngẫm, từ hành động, từ giải pháp cụ thể của chính mỗi công dân Đà Nẵng hôm nay.

Nguồn: Báo Đà Nẵng


[Quay lại]