Tin tức

Giữ ao hồ thêm xanh

Không chỉ điều tiết lưu lượng nước mưa, nước thải sinh hoạt, tạo cảnh quan, làm dịu không khí, 40 ao, hồ lớn nhỏ trên toàn thành phố hiện nay còn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân đô thị. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là khá nhiều ao, hồ ở Đà Nẵng chưa nhận được sự quan tâm đúng mực về cảnh quan, trở thành nơi “chứa” rác thải gây ô nhiễm môi trường…


Ô nhiễm bủa vây

Rác thải, túi ni-lông, mảnh xốp vụn nổi lềnh bềnh trên mặt nước, các bồn hoa trở thành  nơi chứa xà bần, vật liệu xây dựng, cảnh quan nhếch nhác, dòng nước mờ đục là những gì đang diễn ra tại hồ Thạc Gián, phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê).

Ông Nguyễn Văn Hùng, một cư dân sống gần bờ hồ, cho hay thực tế này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng ít được cơ quan chức năng quan tâm. Theo ông Hùng, hồ Thạc Gián có diện tích gần 30.000m2 với dung lượng nước chứa 40.000 - 52.000m3.

“So với trước đây, dù tình trạng ô nhiễm hiện nay không quá nghiêm trọng, nước không còn quá hôi thối, trên mặt hồ từng mảng lục bình được kết thành bè xanh tươi, bờ lan can được xây dựng đẹp hơn nhưng hồ Thạc Gián vẫn chưa thể trở thành một điểm nhấn cảnh quan trong bức tranh đô thị Đà Nẵng như kỳ vọng của người dân chúng tôi”, ông Hùng nói.

Từ tháng 10-2017, thành phố Đà Nẵng thực hiện dự án “Nâng cấp và cải tạo cảnh quan xung quanh bờ hồ” tại khu vực hồ Thạc Gián. Đến nay, đã hoàn thiện được 3 mặt bờ hồ, riêng bờ hồ chạy dọc theo đường Tản Đà đến nay vẫn còn dang dở, trở thành điểm tập kết rác thải sinh hoạt từ hàng trăm hộ dân hai phường Thạc Gián và Vĩnh Trung trước khi được Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom đưa về bãi rác Khánh Sơn xử lý.

Một cán bộ quận Thanh Khê (xin được giấu tên) cho biết, từ năm 2010, Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng được giao làm sạch, xử lý ô nhiễm trong lòng hồ Thạc Gián. Hàng nghìn tấn bùn, chất thải rắn được nạo vét hàng năm; hàng nghìn lít chế phẩm sinh học rải xuống lòng hồ xử lý mùi hôi; công tác thu vớt rác trên mặt nước, quan trắc môi trường cũng được quan tâm; lắp đặt hệ thống chắn rác chảy vào các miệng cống…

Mặt khác, Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng cũng đã thiết kế các ô chứa lục bình giữa hồ, vừa xử lý được mùi hôi, vừa tạo sự thông thoáng cho mặt hồ. Tuy nhiên, cũng theo vị cán bộ này, đó là những điều cần, nhưng chưa đủ.

Bởi muốn có một lòng hồ xanh, sạch, đẹp thì ngoài việc quét, vớt rác thải, cần tuyên truyền ý thức của người dân, kết hợp việc thiết kế cảnh quan, trồng cây xanh phù hợp, xây dựng khu vực bờ hồ Thạc Gián thành nơi vui chơi, giải trí cho người dân trong khu vực.

Ở góc độ quản lý địa bàn, ông Nguyễn Hữu Kim Sơn, Chủ tịch UBND phường Thạc Gián trăn trở, bất cập lớn nhất hiện nay là có khá nhiều người dân từ nơi khác đến bờ hồ câu cá, giải trí thiếu ý thức trong việc xả thải.

Chưa kể, nhiều người khu vực gần đó xem bờ hồ là nơi trung chuyển rác thải nên thường xuyên đến đây đổ trộm vào ban đêm khiến việc kiểm soát rác thải khá khó khăn. “Từ đầu năm đến nay, lực lượng địa phương đã thu gom khoảng hơn 40m3 rác, xà bần. Vào ngày cuối tuần, chính quyền địa phương cũng tăng cường lực lượng, phối hợp với công nhân môi trường dọn dẹp, thu gom rác khu vực xung quanh bờ hồ”, ông Sơn nói.

Theo quan sát của chúng tôi, thực tế việc ô nhiễm này cũng đang diễn ra tại một số hồ trên địa bàn thành phố như hồ Công viên 29-3, hồ Bàu Tràm, khu vực hồ Đầm Rong…

Tại hồ Công viên 29-3, nơi có hàng trăm người dân vui chơi, tập thể dục mỗi ngày vẫn thường xuyên xuất hiện rác thải bám, tấp vào bờ hồ, mặt nước bốc mùi hôi, tanh đục, các bè chuối nước sau thời gian sinh trưởng, ra hoa nay đã héo, xuống sắc vẫn chưa được chăm sóc hay thay thế kịp thời.

Tuy chưa đến mức báo động, nhưng có thể nhận thấy là hiện tượng ô nhiễm và bồi lắng bùn đáy đang là vấn đề cần được cơ quan chức năng quan tâm, xử lý.

Bảo vệ “lá phổi” của thành phố

Nhưng ao hồ của Đà Nẵng hiện nay giữ vai trò điều tiết lưu lượng nước trong thành phố, phần lớn đang trong tình trạng ô nhiễm, chưa tạo được cảnh quan phù hợp.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Đình Anh, người thực hiện đề tài “Nghiên cứu các giải pháp xử lý ô nhiễm cải tạo hồ đảo Xanh và hồ Công viên 29-3 thành phố Đà Nẵng” được Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng nghiệm thu năm 2014, để cải tạo môi trường ở hai hồ chứa trên, cần có những nghiên cứu cụ thể các phương pháp sử dụng thực vật thủy sinh và bổ sung hệ vi sinh phân hủy có khả năng xử lý BOD, COD; thay các ngưỡng tràn bằng các cửa phay để ngăn triệt để nước thải vào hồ và thuận tiện điều chỉnh lưu lượng nước vào hồ khi có mưa; xây dựng hố ga đối với hệ thống thải sinh hoạt để tách cặn bùn trước khi cho nước chảy vào hồ; duy trì vệ sinh quanh hồ, trên mặt hồ; tăng cường khả năng làm sạch của hồ bằng lắp đặt hệ thống gồm 3 modun jet streamer (modun lọc, xử lý nước thải trước khi hòa vào lòng hồ), kết hợp xây dựng tháp phun nước.

Đồng thời, lắp đặt các đập chắn dòng để giảm lượng bùn bồi lắng và ngăn rác thải vào các lòng hồ… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xả thải của các nhà hàng, quán giải khát cũng như người dân sinh sống gần khu vực hồ chứa.

Những năm gần đây, có khá nhiều đề tài nghiên cứu khoa học tập trung vào nội dung giải quyết ô nhiễm tại các lòng hồ ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, không mấy nội dung nghiên cứu được quan tâm, áp dụng vào thực tế.

ThS. Phan Thị Kim Thủy, giảng viên Khoa Môi trường, ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng cho rằng, các đề tài nghiên cứu về môi trường đều bảo đảm việc đánh giá hiện trạng cũng như các thông số quá trình công nghệ trong việc triển khai áp dụng biện pháp kiểm soát ô nhiễm nguồn nước hồ, cung cấp các biện pháp kỹ thuật phục hồi chất lượng nước hồ đô thị nói chung và hồ đô thị tại thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Xác định được nguồn gốc ô nhiễm để tập trung giải quyết nó là một vấn đề vô cùng quan trọng, từ cơ sở đó có thể đưa ra những nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để bảo vệ và duy trì môi trường cảnh quan các hồ chứa trong lòng thành phố, nhất là ở các hồ công viên.

“Về lâu dài, cần tập trung xử lý chất lượng nước thải bằng chế phẩm vi sinh vật để phân hủy chất hữu cơ còn sót lại trước khi cho chảy vào các hồ lớn, tránh tình trạng “nước nở hoa”, nghĩa là các loại vi tảo gặp thức ăn hữu cơ phân hóa, dễ bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm”, chị Thủy cho hay.

Có thể nói, song song với việc giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại các hồ chứa, Đà Nẵng cũng cần chú trọng đến công tác cải tạo cảnh quan với những mảng xanh phù hợp, bố cục hài hòa, tạo thành điểm nhấn văn hóa, giải trí giữa lòng đô thị.

Nguồn: Báo Đà Nẵng


[Quay lại]