Với mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, việc bảo tồn và phát triển không gian xanh đô thị là một trong những nội dung quan trọng mà chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm.
7,46 m2 cây xanh/ người
Ngày hè, cung đường ven biển Nguyễn Tất Thành - một trong những con đường đẹp nhất của thành phố, giờ đây không chỉ còn nắng và gió mà được phủ kín cây xanh.
Theo Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng, không chỉ đường Nguyễn Tất Thành, đường Bạch Đằng hay Trần Phú mà những tuyến đường 30 Tháng 4, An Dương Vương, Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Sinh Sắc, vườn dạo đường Bãi Sậy, vườn dạo đường Nguyễn Trác... được coi là những con đường điển hình cho sự đổi thay, lột xác bởi màu xanh dịu mát.
Năm 2018 này, công ty được Sở Xây dựng hợp đồng đặt hàng thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng đối với các công viên, vườn dạo, đài tưởng niệm, dải phân cách và cây xanh bóng mát trên các tuyến đường phố trên và dưới 7,5m; hợp đồng với UBND quận Thanh Khê duy tuy, bảo dưỡng Công viên 29 tháng 3.
Hiện nay, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng đang quản lý duy tu bảo dưỡng cây xanh bóng mát, thảm hoa, thảm cỏ với khối lượng 108.203 cây xanh bóng mát, 508.134,6m2 thảm cỏ, 140.024,5m2 thảm hoa, 1.932,5m2 rào cảnh và 842 chậu cảnh, 9.465 cây trổ hoa và 13.621 cây tạo hình.
Cây xanh bóng mát được quy hoạch trồng trên các đường phố Đà Nẵng tập trung chủ yếu các loại: Lim xẹt, Muồng tím, Bằng lăng, Giáng hương, Lộc vừng...
Thống kê của Sở Xây dựng, ước tính đến tháng 6-2018, diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người tại thành phố Đà Nẵng là 7,46m2/người, trong đó: cây xanh công cộng: 3,13m2/người, cây xanh chuyên dụng: 0,72m2/người, cây xanh sử dụng hạn chế: 3,61m2/người. Mật độ này cơ bản đáp ứng được chỉ tiêu đề ra của thành phố tại Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” là 6 -8m2/người.
Ông Võ Tấn Hà - Trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng, đơn vị trực tiếp thực hiện Đề án phát triển cây xanh đô thị giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch Quản lý và phát triển hệ thống cây xanh đô thị giai đoạn 2016-2020, cho biết mọi thứ đang diễn ra đúng tiến độ các đề án thành phố đã đặt ra.
Những kết quả có được là nhờ quy hoạch hệ thống cây xanh cả về quy mô, tỷ lệ che phủ bình quân đầu người cũng như chủng loại phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, hiện trạng các công trình hạ tầng kỹ thuật để làm cơ sở phát triển cây xanh đô thị; tập trung đầu tư các vườn hoa, vườn dạo nhỏ góp phần tăng thêm mảng xanh và nơi thư giãn, nghỉ ngơi, cải thiện môi trường sống cho người dân trong các khu dân cư...
Tuy nhiên, theo ông Hà, cây xanh sử dụng hạn chế còn chiếm tỷ lệ cao là yếu tố không ổn định, dẫn đến nguy cơ giảm độ che phủ bình quân đầu người trong quá trình phát triển đô thị.
Xã hội hóa trồng cây xanh
Trong cuộc phủ xanh thành phố không thể không kể đến các phong trào trồng cây xanh của người dân/doanh nghiệp, các phong trào thu hút đông đảo người dân tham gia như “Tết trồng cây”, “Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp”, “Đoạn đường an toàn văn minh”, “Tuyến đường xanh-sạch-đẹp”, “Câu lạc bộ môi trường”, “Tuyến đường xanh”, “Trường học xanh”, “Khu dân cư xanh”...
Có thể nói, các mô hình xã hội hóa cây xanh thời gian qua đã phát huy sức mạnh cộng đồng (giảm gánh nặng từ ngân sách thành phố) trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ hệ thống cây xanh của thành phố, góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường, tạo cảnh quan đô thị.
Chỉ tính riêng những dịp “Tết trồng cây” mùa xuân mỗi năm, ước trên toàn thành phố có hàng chục nghìn cây xanh được trồng mới, do các quận huyện, xã phường, cơ quan đơn vị, lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hội nghề nghiệp... đồng loạt phát động. Đơn cử như chương trình “Tết trồng cây” năm 2018, tất cả các phường trên địa bàn quận Liên Chiểu đã thực hiện trồng mới gần 200 cây xanh bóng mát. Riêng bờ biển phía bắc sông Cu Đê trồng 2.000 cây dương liễu nhằm cải tạo môi trường biển.
Nhiều nhà hàng, khách sạn, resort, trường học... đã đầu tư cây xanh, những thảm xanh giá trị, cảnh quan trên vỉa hè, mặt tiền các công trình văn phòng, nhà ở trên nhiều tuyến đường.
Theo Sở Xây dựng, năm 2017, trên địa bàn thành phố đã có khoảng 800 cây xanh bóng mát các loại trên vỉa hè trước các công trình, nhà ở… được các tổ chức, cá nhân thực hiện cải tạo (di dời tại chỗ đến vị trí phù hợp, chặt hạ hoặc di dời và trồng thay thế…), góp phần quan trọng trong việc cải tạo, nâng cấp mỹ quan đô thị.
Một số đơn vị chuyên ngành cây xanh đã tận dụng các khu đất trống chưa đầu tư xây dựng tại một số tuyến đường lớn như: Phạm Hùng, Nguyễn Đình Tựu, 2 Tháng 9, Cách mạng Tháng 8, Thăng Long, Võ Văn Kiệt… để tạo thành các vườn ươm cây xanh tạm thời, vừa góp phần giải quyết tình trạng tập kết phế thải xây dựng, ô nhiễm môi trường, vừa làm tăng thêm mảng xanh đô thị và cung cấp nguồn cây giống để phát triển mảng xanh cho các công trình, nhà ở trên địa bàn thành phố.
Quỹ Đà Nẵng xanh, tại sao không?
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thực tế cho thấy, vấn đề phát triển và quản lý cây xanh luôn gặp phải một số khó khăn nhất định. Đó là bão gió, là quá trình đô thị, là tình trạng ô nhiễm các lô đất trống vẫn tiếp diễn, là chưa có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa phát triển du lịch và cây xanh, là hành vi của mỗi người dân thành phố trong việc bảo vệ không gian xanh còn hạn chế...
Tuy nhiên, sau nhiều cuộc ngồi lại của các cấp ngành liên quan thì hạn chế về vốn luôn là khó khăn lớn nhất của hoạt động phát triển cây xanh hiện nay ở thành phố Đà Nẵng. Kinh nghiệm cho thấy khắc phục hạn chế về vốn có thể được thực hiện bằng nhiều cách. Hình thức “hợp tác công tư” là một ví dụ điển hình về việc huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, theo bà Quách Thị Xuân - Trưởng phòng Nghiên cứu đô thị (Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội thành phố), hình thức này chỉ phù hợp với những hạng mục phát triển đô thị có thể mang lại nguồn thu và nguồn thu này đủ bù đắp chi phí đầu tư, ví dụ lĩnh vực cấp nước và xử lý nước thải hay lĩnh vực thu gom và xử lý rác thải.
Dịch vụ phát triển cây xanh, không gian xanh và khuyến khích hành vi xanh mang đặc điểm rõ nét của loại dịch vụ công cộng, có lợi ích thiết thực cho toàn thể cộng đồng nhưng lại không thể thu phí. Vì vậy, việc thành lập Quỹ xã hội huy động sự đóng góp của cộng đồng là một lựa chọn hợp lý, giúp huy động được nguồn tài chính trồng cây xanh và đặc biệt là giúp mỗi người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ và chăm sóc cây xanh công cộng.
Từ những lý do trên, năm 2014, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND thành phố thành lập Quỹ Đà Nẵng Xanh (Green Da Nang Fund, viết tắt là GDF), nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh cũng như khuyến khích hành vi xanh và thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Qua đó, Quỹ hướng tới bảo đảm mục tiêu giữ vững màu xanh tự nhiên của thành phố, đồng thời phát triển hệ thống cây xanh và không gian xanh đô thị ổn định, bền vững về cả số lượng và chất lượng, xây dựng một môi trường sống trong lành xanh-sạch-đẹp.
Sở Xây dựng cũng tổ chức cuộc họp liên quan đến thủ tục thành lập Quỹ với các cơ quan, ban, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, các bên cũng thống nhất sự cần thiết thành lập Quỹ. Cũng trong năm 2015, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội thành phố được giao xây dựng Đề án thành lập Quỹ.
Song, sau khi Viện xây dựng xong, UBND thành phố giao Sở Xây dựng thẩm định, phối hợp hoàn chỉnh và phát triển Đề án. Bà Quách Thị Xuân, người rất tâm huyết với Quỹ, trực tiếp xây dựng đề án cho hay, mọi việc đến đó thì dừng.
Hoạt động của Quỹ từ đó đến nay chỉ là một trang mạng xã hội có tên “Quỹ Đà Nẵng xanh - Green Da Nang Fund” do nhóm những người tâm huyết thành lập. Và hoạt động đáng kể của nhóm này từ năm 2015 đến nay, theo bà Xuân là trồng khoảng 1.000 cây phi lao ven biển đường Hoàng Sa từ giữa năm 2016. Tuy nhiên, đến nay số cây còn sống sót rất ít và què quặt vì sóng biển.
Theo bà Quách Thị Xuân, Quỹ trực thuộc đơn vị nào không quan trọng, chỉ cần được cho phép, được UBND thành phố ra quyết định thành lập, có đủ tư cách pháp nhân, ắt sẽ có những đóng góp thiết thực trong việc gìn giữ, phát triển màu xanh của thành phố.
Nguồn: Báo Đà Nẵng